Lương hưu giáo viên mầm non: Vì sao thấp hơn lương cơ sở?

Thứ hai - 07/11/2016 03:04
(Dân trí) - Liên quan tới việc nhiều giáo viên mầm non nghỉ hưu tại Hưng Yên, Thanh Hóa phản ánh mức lương hưu thấp dưới mức lương cơ sở, dù đã đóng BHXH gần 20 năm. PV Dân trí đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thọ, chuyên viên Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) về vấn đề này.
Mức đóng BHXH thấp khiến lương hưu một số giáo viên mầm non ở Hưng Yên thấp dưới mức lương cơ sở.
Mức đóng BHXH thấp khiến lương hưu một số giáo viên mầm non ở Hưng Yên thấp dưới mức lương cơ sở.

Đứng ở góc độ cơ quan chức năng, sự việc của các cựu giáo viên mầm non này phản ánh mức lương hưu thấp hơn lương cơ sở ra sao, xin ông cho biết cụ thể?

- Vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã nhận được báo cáo của Bảo hiểm xã hội VN và ý kiến của các giáo viên mầm non ở Hưng Yên, Thanh Hóa phản ánh về mức lương hưu của họ thấp hơn mức lương cơ sở.

Theo quy định của pháp luật, trước năm 1999, giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không thuộc diện tham gia BHXH.

Từ năm 1999 trở lại đây, Nhà nước có chính sách quy định giáo viên mầm non ngoài công lập có ký hợp đồng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, trong thực tế, phải vài năm sau đó, giáo viên mầm non ngoài công lập mới chính thức đăng ký tham gia và đóng BHXH cho cơ quan BHXH.

Do đó, những giáo viên mầm non hết tuổi lao động vào giai đoạn 2011-2014 thự tế chỉ từ 10-15 năm đóng BHXH. Lúc này, họ chỉ đủ điều kiện hưởng BHXH một lần chứ không đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.

"Dưới góc độ an sinh xã hội, việc hưởng BHXH một lần thiệt thòi rất lớn so với hưởng lương hưu hàng tháng vì khi về già, sức lao động suy giảm, mọi người khó có khả năng có được thu nhập ổn định. Mặt khác, người hưởng lương hưu hàng tháng còn được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh trong bối cảnh tuổi già thường xuyên đau ốm" - ông Nguyễn Hữu Thọ nói.

Để tạo điều kiện cho những giáo viên mầm non nói trên có đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng, năm 2004, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bảo hiểm xã hội VN đã có văn bản hướng dẫn giáo viên mầm non được truy đóng BHXH trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến khi họ thực sự tham gia BHXH.

Với những giáo viên nghỉ hưu vào giai đoạn 2011-2014, họ sẽ có từ 16-20 năm đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ vẫn không đủ điều kiện để hưởng lương hưu hàng tháng.

Đến năm 2011, Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho giáo viên mầm non chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu háng tháng.

Trên cơ sở đó, giáo viên mầm non tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2011; đến hết năm 2014, họ có vừa đủ 20 năm đóng BHXH, đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.

Như vậy, với các chính sách và việc tạo nguồn hỗ trợ của Nhà nước cũng như quá trình tham gia đóng góp của bản thân người lao động, giáo viên mầm non ngoài công lập từ chỗ không thuộc đối tượng tham gia BHXH đã thuộc diện tham gia BHXH, từ chỗ chỉ đủ điều kiện hưởng BHXH một lần đã tích lũy đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.

Điều này rất có ý nghĩa đối với giáo viên mầm non khi họ hết tuổi lao động.

Vậy, nguyên nhân nào khiến mức lương hưu của nhóm giáo viên mầm non được nhắc ở trên lại thấp hơn mức lương cơ sở (1.150.000 đồng/tháng), thưa ông?

- Đầu tiên là do tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của giáo viên mầm non thấp, dẫn đến lương hưu được tính trên nền tiền lương này cũng bị kéo theo ở mức không cao.

Thứ hai, do thời gian đóng BHXH của giáo viên mầm non ngắn, khiến tỷ lệ hưởng lương hưu thấp. Theo quy định, đối với nữ giới thì 20 năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 60% tiền lương đóng BHXH.

"Nguyên nhân mấu chốt dẫn đến lương hưu của giáo viên mầm non thấp là tiền lương làm căn cứ đóng thấp và thời gian đóng BHXH ngắn.

Cũng phải nhấn mạnh rằng, xét trên tổng thể chung thì số tiền mà giáo viên mầm non đóng vào quỹ BHXH trong vòng 20 năm chỉ đủ chi trả lương hưu cho họ trong vòng chưa đầy 6 năm (Do tỷ lệ đóng góp hàng tháng chỉ là từ 15% đến 22% tiền lương, còn tỷ lệ hưởng lương hưu là 60% tiền lương).

Trong khi đó, theo tính toán của Tổng cục Thống kê sau Tổng điều tra dân số năm 2009 thì kỳ vọng sống của phụ nữ ở độ tuổi 55 là 24,5 năm. Điều này đồng nghĩa với việc quỹ bảo hiểm xã hội phải chi trả “bổ sung” cho người lao động trong khoảng thời gian 18,5 năm" - ông Nguyễn Hữu Thọ nói.

Mặt khác, những giáo viên mầm non nghỉ hưu vào tháng 1/2015, tiền lương đóng BHXH trong quá khứ của họ chưa được điều chỉnh bù giá. Đến tháng 3/2015, phần lớn cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố đã thực hiện điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH theo Thông tư số 03/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/01/2015 của Bộ LĐ-TB&XH nên lương hưu của giáo viên mầm non đã được tính đủ.

Cụ thể, một số giáo viên mầm non về hưu tháng 01/2015, lương hưu được 500 nghìn đồng/ tháng thì sau khi điều chỉnh, tính đủ lương hưu, lương hưu của họ ở mức 800 nghìn đồng/ tháng.

Xin được nói thêm, theo quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với giáo viên mầm non là tiền lương ghi trên hợp đồng lao động, do người lao động và người sử dụng lao động chủ động thỏa thuận.

Trên thực tế, điều kiện về kinh tế của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở nông thôn chỉ bảo đảm trả lương cho giáo viên ở mức ngang hoặc trên một chút so với mức lương tối thiểu.

Đối với thời gian truy đóng BHXH thì theo hướng dẫn, mức truy đóng là 15% mức lương tối thiểu tại thời điểm truy đóng. Ví dụ, một giáo viên mầm non truy đóng BHXH 10 năm từ năm 1995 đến năm 2004, thì mức lương làm căn cứ đóng là mức lương tối thiểu chung năm 2004: 290.000 đồng/tháng.

Người lao động phàn nàn việc đóng BHXH từ năm 1995 với “nền” lương cơ sở là 290.000 đồng - tương ứng với đối tượng lao động phổ thông, trong khi đó công việc của họ có thể được đóng ở mức lương cao hơn, thưa ông?

- Theo quy định của Chính phủ thì mức lương tối thiểu năm 1995 là 120.000 đồng/tháng. Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp người lao động trong các doanh nghiệp làm việc và đóng BHXH ở mức lương tối thiểu này.

Như vậy, năm 1995, giáo viên mầm non đóng BHXH ở mức 290.000 đồng/tháng là tương đương với 2,42 lần mức lương tối thiểu cùng thời điểm.

Mặt khác, tiền lương đóng BHXH của người lao động ở trong quá khứ sẽ được điều chỉnh bù giá khi tính hưởng chế độ.

Ví dụ, đối với người nghỉ hưu năm 2015 thì, tiền lương đóng BHXH năm 1995 là mức 290.000 đồng/ tháng sẽ được điều chỉnh tăng lên 4,26 lần, tức là bằng: 1.235.400 đồng/ tháng. Lương hưu của người lao động được tính trên mức 1.235.400 đồng/ tháng chứ không phải mức 290.000 đồng/tháng.

Như vậy, Nhà nước đã có những ưu đãi nhất định để giáo viên mầm non tham gia và hưởng chế độ BHXH. Tuy nhiên có một số ý kiến vẫn muốn đề nghị nâng lương hưu của giáo viên mầm non lên bằng mức lương cơ sở. Nếu thực hiện như vậy, cơ quan chức năng có gặp khó khăn gì trong việc xử lý vấn đề này, thưa ông?

- Theo số liệu thống kê thì mặt bằng lương hưu của giáo viên mầm non thấp hơn so với nhóm đối tượng có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên.

Tuy nhiên, lương hưu của giáo viên mầm non hiện nay tương đương với lương hưu của công nhân cao su, nhóm cán bộ xã có từ đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên và đối tượng hưởng lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện khác mà có dưới 20 năm đóng BHXH bắt buộc.

Lương hưu của giáo viên mầm non cao hơn lương hưu của người có thời gian tham gia BHXH nông dân Nghệ An một số nhóm hưởng trợ cấp hàng tháng khác.

Cái khó của cơ quan chức năng trong xử lý vấn đề này là nếu giải quyết riêng cho nhóm giáo viên mầm non thì sẽ mất đi sự tương quan đối với các nhóm đối tượng khác; cũng như không bảo đảm một trong những nguyên tắc của bảo hiểm xã hội quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội là mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH.

Mặt khác, điều chỉnh lương hưu của giáo viên mầm non lên bằng mức lương cơ sở sẽ không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP, cụ thể: Khi tính mức lương hưu hằng tháng đối với người đang tham gia BHXH tự nguyện có thời gian đóng BHXH bắt buộc đủ 20 năm trở lên, mà mức lương hưu hằng tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung tại thời điểm lương hưu thì được điều chỉnh bằng mức lương tối thiểu chung.

Để giải quyết vấn đề này, ông có đề xuất giải pháp gì?

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang cùng Bảo hiểm xã hội VN tiến hành nghiên cứu, rà soát lương hưu của những đối tượng này và cân nhắc các phương án xử lý khác nhau.

Tuy nhiên, việc xử lý vấn đề này phải bảo đảm mối tương quan giữa các nhóm đối tượng khác và phù hợp với các quy định của pháp luật về BHXH.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người lao động cũng như của các phương tiện thông tin đại chúng để báo cáo kịp thời với cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh (thực hiện)

Nguồn tin: dantri.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐIỆN BIÊN PHỦ
TRƯỜNG MẦM NON HOA BAN
Địa chỉ: Tổ 2, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
Điện thoại: 0215. 3829 071 - Email: truongmamnonhoaban@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây